Мы используем файлы cookie.
Продолжая использовать сайт, вы даете свое согласие на работу с этими файлами.

Chính sách một con

Подписчиков: 0, рейтинг: 0
Chiến dịch thúc đẩy kế hoạch hoá gia đình giữa các lao động nhập cư tại quảng trường nhà ga Vũ Xương vào năm 2011, với các biểu ngữ, dàn nhạc, bài phát biểu và phân phát bao cao su, lịch, quà lưu niệm miễn phí.

Chính sách một con (tiếng Hán giản thể: 计划生育政策; bính âm: jìhuà shēngyù zhèngcè) là chính sách kiểm soát dân số, chính sách quốc gia cơ bản của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, được áp dụng từ năm 1979 và được thay thế bằng chính sách hai con vào năm 2015. Tên chính thức do Chính phủ Trung Quốc đặt là "Chính sách kế hoạch hóa gia đình". Kể từ khi ra đời, chính sách này đã có nhiều thay đổi, mở rộng dần số con được phép sinh ra với một số đối tượng. Chính sách này hạn chế mỗi một cặp vợ chồng ở thành thị chỉ được sinh một con, những trường hợp ngoại lệ áp dụng đối với các cặp vợ chồng ở nông thôn có con gái đầu lòng, các dân tộc thiểu số và những cặp vợ chồng là con một. Chính sách một con không áp dụng với đặc khu hành chính Hồng KôngMacao, nơi được thiết lập chính sách kế hoạch gia đình riêng.

Cuối năm 2013, sau 35 năm thực thi nghiêm khắc chính sách một con, Ủy ban Lập pháp tối cao Trung Quốc đưa ra báo cáo tuyên bố nới lỏng chính sách này, cho phép các cặp vợ chồng được sinh con thứ hai nếu cha hoặc mẹ là con một. Đến cuối năm 2015, chính sách này bị bãi bỏ.

Những quy định ngặt nghèo của chế độ một con được cho là nguyên nhân dẫn đến nhiều bi kịch xã hội tại Trung Quốc.

Tổng quan

Dân số Trung Quốc
Năm Dân số
(triệu người)
Tăng
(triệu người)
1964 694,6 --------
1982 1008,2 313,6
2000 1265,8 257,6
2010 1339,7 73,9
Nguồn: Cục Thống kê Trung Quốc
Tiến trình tháp dân số của Trung Quốc từ 2012 đến 2030.
Biểu đồ dân số Trung Quốc, cho thấy tỉ lệ tăng bất chấp chính sách một con.

Mục tiêu ban đầu của chính sách một con là kinh tế: làm giảm nhu cầu tài nguyên thiên nhiên, duy trì tỷ lệ lao động ổn định, giảm tỷ lệ thất nghiệp và giảm lao động thặng dư.

Người phát ngôn của Uỷ ban Dân số và Kế hoạch hoá gia đình quốc gia cho biết khoảng 35,9% dân số Trung Quốc nằm trong phạm vi của chính sách một con, 52,9% trong phạm vi của chính sách một con và một nửa, 11% có thể sinh hai con hoặc nhiều hơn.

Tỉ lệ nam nữ sinh ra trong năm 2005 đạt 118,9:100, điều này đồng nghĩa rằng số bé trai nhiều hơn 20% so với bé gái. Sự mất cân bằng nghiêm trọng có thể gây ra các vấn đề xã hội nghiêm trọng trong hai hoặc ba thập kỷ tiếp theo. Theo các thống kê dân số, số dân vẫn tăng tuy nhiên tỉ lệ sinh có sự suy giảm mạnh.

Dân tộc thiểu số có sự tăng nhanh hơn so với người Hán, từ năm 1953 chiếm 6,06% dân số, đến năm 1982 6.7% và 2010 là 8,49%. So sánh kết quả cuộc điều tra dân số toàn quốc lần thứ nhất với lần thứ năm, người Hán tăng 5,74%; trong khi đó dân tộc thiểu số tăng 6,92% (hơn 1,2 lần).

Lịch sử

  • Những năm 1960, tốc độ dân số Trung Quốc tăng trưởng nhanh chóng đẩy áp lực dân số lên cao.
  • Đầu những năm 1970, dưới tác động của cuộc Cách mạng Văn hoá, Trung Quốc ban hành chính sách hai con, khuyến khích sinh con thứ hai sau khoảng 4 năm và kêu gọi cưới sinh muộn hơn.
  • Năm 1978, Đặng Tiểu Bình đề ra mục tiêu: trước năm 2000, dân số Trung Quốc không được vượt quá 1,2 tỷ người.
  • Năm 1979, chính sách một con được đưa vào áp dụng.
  • Năm 1982, chính sách một con được đưa vào Hiến pháp.
  • Năm 1984, cho phép các cặp vợ chồng ở nông thôn sinh con thứ hai nếu con thứ nhất là con gái, các cặp vợ chồng dân tộc thiểu số được phép sinh từ 3-4 con.
  • Năm 1997, cho phép các cặp vợ chồng sống ở thành thị, có thể có hai con nếu cả hai vợ chồng đều là con một.
  • Năm 2000, quy định về con thứ tiếp tục được nới lỏng. Các điều kiện phổ biến bao gồm: vợ chồng đều là con một, vợ hoặc chồng là người dân tộc thiểu số, vợ chồng trở về từ nước ngoài, các cặp vợ chồng có con đầu bị khuyết tật.
  • Từ năm 2002, các cặp vợ chồng muốn có nhiều con phải chịu đóng một khoản tiền phạt cố định. Nhưng đến 1/9/2002, áp dụng Luật dân số và Kế hoạch hoá gia đình, công dân vi phạm còn phải trả thêm một khoản gọi là "phí bảo trì xã hội". Khoản phí này do các tỉnh, khu tự trị và thành phố quy định, căn cứ trên thu nhập bình quân đầu người của cư dân đô thị và nông thôn của địa phương.
  • Từ năm 2014, các cặp vợ chồng ở thành thị được phép có hai con nếu một trong hai vợ chồng là con một.
  • Cuối năm 2015, chính sách bị bãi bỏ. Luật mới được chính thức áp dụng từ ngày 1 tháng 1 năm 2016.

Thực thi

Những cặp vợ chồng vi phạm chính sách một con phải đóng một phức phạt cao gấp nhiều lần so với thu nhập bình quân thông thường của họ. Năm 2000, chính quyền Trung Quốc gọi mức phạt sinh con thứ hai là "phí đóng góp cho xã hội" chứ không phải tiền phạt, chi phí này nhằm trang trải những "thiệt hại" cho xã hội do đứa con thứ hai của các gia đình gây ra. Riêng năm 2010, tổng tiền phạt thu về khoảng 20 tỉ nhân dân tệ. Mức phạt cho từng cặp vợ chồng được chính quyền các địa phương tự định ra tính theo thu nhập của gia đình vi phạm và nhiều yếu tố khác.

Nếu gia đình không đóng khoản phí này, những đứa con ngoài chính sách không được đăng ký khai sinh, không có tên trong hộ khẩu, không được cấp chứng minh thư, không được tham gia vào hệ thống bảo hiểm cũng như không được hưởng hệ thống giáo dục, sức khoẻ của nhà nước. Theo số liệu của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc năm 2011, có 13 triệu người dân Trung Quốc không được xã hội thừa nhận do không có hộ khẩu. Trong trường hợp người mẹ bị phát hiện đang mang thai ngoài chính sách và không có khả năng đóng tiền phạt sẽ bị cưỡng ép phá thai. Một số trường hợp phá thai cưỡng bức dẫn đến thai phụ bị thiệt mạng. Ngoài ra, một số biện pháp khác cũng được thi hành như đặt vòng tránh thai cho phụ nữ có một con, triệt sản cho phụ nữ có hai con. Chính quyền một số tỉnh như Quảng Đông từng đề ra chiến dịch chống "ba không" (không chứng minh thư, không hộ khẩu, không giấy phép tạm trú), bao gồm bắt giữ, đánh đập và giam giữ những người công dân không hộ khẩu.

Riêng ở một số địa phương kém phát triển, khoản tiền phạt này là một trong những khoản thu chủ yếu của chính quyền. Điều này được cho là lý do của việc mạnh tay chống phá thai nhằm buộc người dân đóng tiền phạt.

Một số nghệ sĩ nổi tiếng từng bị phạt như:

  • Hác Hải Đông: cựu cầu thủ bóng đá, bị phạt 50.000 nhân dân tệ vì sinh con thứ hai.
  • Tôn Nam: ca sĩ nổi tiếng ở Trung Quốc, bị phạt vì sinh con thứ hai.
  • Trương Nghệ Mưu: đầu năm 2014, Cục Kế hoạch hóa gia đình huyện Tân Hồ, thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô tuyên bố mức phạt cho việc sinh đứa con thứ ba của ông là 7,5 triệu nhân dân tệ, được cho là căn cứ vào thu nhập của vợ chồng đạo diễn Trương trong những năm trước. Đây là mức phạt cao nhất từ trước đến nay.

Tác động

Tỉ lệ giới tính trẻ sơ sinh tại đại lục Trung Quốc từ 1980–2010, thể hiện số bé trai trên 100 bé gái.
Biển thông báo trên đường ở nông thôn tỉnh Tứ Xuyên: "Cấm phân biệt đối xử, ngược đãi hoặc bỏ rơi bé gái."

Chính sách một con đã tỏ ra có hiệu quả trong việc giảm thiểu tốc độ gia tăng dân số ở Trung Quốc. Tuy nhiên, chính sách cũng bị cho rằng đã thất bại ở khu vực nông thôn và không đủ khả năng để ngăn cản những người có khả năng tài chính. Bên cạnh đó là các chỉ trích về:

  • Gián tiếp làm gia tăng tỷ lệ nạo phá thai.
  • Tình trạng mất cân bằng giới tính do tập quán "trọng nam khinh nữ".
  • Tỷ lệ sinh giảm mạnh gây xáo trộn cấu trúc dân số.
  • Mở ra khe hở pháp luật tạo điều kiện cho tham nhũng.
  • Ảnh hưởng đến những người cao tuổi phụ thuộc vào sự chăm sóc và hỗ trợ chi phí y tế của con cháu khi về già, tăng gánh nặng hỗ trợ người già trong xã hội.
  • Làm giảm lượng dân số trong độ tuổi lao động, ảnh hưởng tới tốc độ phát triển kinh tế.
  • Đẩy mạnh tệ nạn bắt cóc, buôn bán trẻ em và phụ nữ.
  • Cản trở mục tiêu thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.
  • Sau khi đạt đỉnh dân số trong tương lai, dân số sẽ giảm nhanh chóng do bị già đi.
  • Tỉ lệ dân tộc thiểu số gia tăng.
  • Các bé gái bị bỏ rơi sau khi sinh nở.

Các biện pháp đối phó

Để đối phó với chính sách một con, một số gia đình chọn các giải pháp như sau:

  • Sinh con ở nước ngoài, lấy quốc tịch nước ngoài. Vì luật pháp nước Mỹ quy định mọi đứa trẻ sinh ra trên đất Mỹ đều là công dân Mỹ, nên lựa chọn ưu tiên để đến Mỹ (từ Trung Quốc) là đảo Saipan thuộc Quần đảo Bắc Mariana, một quốc gia lệ thuộc vào Mỹ nằm ở Tây Thái Bình Dương, nơi cho phép du khách Trung Quốc nhập cảnh mà không bị hạn chế thị thực. Hòn đảo đang trải qua sự gia tăng lượng trẻ em Trung Quốc sinh nở. Lựa chọn này thường được những người Trung Quốc tương đối giàu có chọn. Ngoài việc tránh né chính sách một con, họ còn có mong muốn khác là con họ khi lớn lên có thể rời khỏi Trung Quốc đại lục hoặc đưa cha mẹ chúng đến Mỹ. Canada là một lựa chọn khó khăn hơn vì quốc gia này từ chối nhiều yêu cầu thị thực. Giải pháp của Trung Quốc cho vấn đề này là thắt chặt hạn chế xuất cảnh với phụ nữ mang thai.
  • Sử dụng dịch vụ mang thai hộ. Phổ biến là ở Mỹ, nơi việc mang thai hộ hoàn toàn hợp pháp, sau đó nhập quốc tịch Mỹ cho đứa trẻ. Ngoài ra dịch vụ mang thai hộ cũng tồn tại ở một số lãnh thổ lân cận như: Đài Loan, Hàn Quốc,...
  • Sang Hồng Kông sinh con. Theo quy định của Đặc khu, những đứa trẻ sinh ở Hồng Kông được thừa nhận là cư dân vĩnh viễn của đặc khu này, được hưởng tất cả các quyền lợi của cư dân Hồng Kông như giáo dục, y tế miễn phí và miễn thị thực tới 135 quốc gia trên thế giới. Điều này khiến lượng phụ nữ đại lục sang Hồng Kông sinh con ngày càng tăng cao. Đến 2010, số trẻ do phụ nữ đại lục sinh chiếm 45% lượng trẻ em sinh ra tại Hồng Kông, đẩy các bệnh viện vào mức quá tải và tăng cao chi phí sinh nở. Tình trạng này khiến chính quyền từ việc đề ra các biện pháp hạn chế đến thay đổi Luật Cơ bản của Hồng Kông, không cấp quyền cư trú cho những trẻ em này. Từ đầu năm 2012, các phụ nữ đại lục sinh con thứ hai xong trở về sẽ bị chính quyền địa phương phạt tiền.
  • Vì không áp dụng xử lý đối với trường hợp sinh một lúc nhiều con (sinh đôi, sinh ba,...), ngày càng có nhiều cặp vợ chồng đang chuyển sang dùng các loại thuốc thai sản để tạo ra song thai. Tuy không có số liệu chính xác, theo một báo cáo ở Trung Quốc vào năm 2006, số lượng các cặp song sinh được sinh ra mỗi năm ở Trung Quốc đã tăng gấp đôi. Tháng 1 năm 2005, Bộ Y tế đã ban hành công văn cấm phụ nữ khỏe mạnh sử dụng thuốc thai sản, khi mua thuốc phải có đơn của bác sĩ.

Xem thêm


Новое сообщение