Продолжая использовать сайт, вы даете свое согласие на работу с этими файлами.
Mặc Đốn thiền vu
Mặc Đốn thiền vu | |
---|---|
Thiền vu Hung Nô | |
Tại vị | 209–174 TCN |
Tiền nhiệm | Đầu Mạn |
Lão Thượng | |
Thông tin chung | |
Sinh | Khoảng 234 TCN Mông Cổ ngày nay |
Mất | 174 TCN |
Thân phụ | Đầu Mạn |
Mặc Đốn thiền vu (giản thể: 冒顿单于; phồn thể: 冒頓單于; bính âm: Mòdún Chányú, một số tài liệu Việt ngữ ghi là Mạo Đốn) sinh khoảng năm 234 TCN là vị thiền vu sáng lập nên Đế quốc Hung Nô sau khi sát hại cha mình vào năm 209 TCN. Ông cai trị đế quốc từ năm 209 TCN đến 174 TCN. Dưới thời cai trị của cha là Đầu Mạn, ông là một tướng quân sự.
Sau khi đã lên ngôi thiền vu, ông đã lập nên một đế quốc Hung Nô hùng mạnh bằng cách thống nhất thành công các bộ tộc trên thảo nguyên Mông Cổ và trở thành một mối đe dọa đối với nhà Hán Trung Quốc. Dưới thời cai trị của Mặc Đốn, đế quốc Hung Nô từng trải rộng trên một lãnh thổ rộng lớn và được coi là một trong những thời điểm cực đại trong lịch sử đế quốc, biên giới phía đông đến tận Liêu Hà, biên giới phía tây đến dãy núi Pamir trong khi biên giới phía bắc vươn đến hồ Baikal.
Nguồn gốc và lên ngôi
Những điều chi tiết về những năm đầu tiên của ông chỉ được thuật lại trong chương 110 của Sử ký Tư Mã Thiên, tuy nhiên mặc dù dựa trên lịch sử, song chúng lại tồn tại một số yếu tố huyền thoại.
Ông là con trai cả của Đầu Mạn, thiền vu Hung Nô. Kể từ thời thơ ấu, Mặc Đốn đã nổi tiếng với dũng khí và lòng can đảm của mình. Ông cũng được coi là một trong số các anh hùng của vương quyền. Tuy nhiên, một yên chi (vợ của thiền vu) xinh đẹp được Đầu Mạn sủng ái và ông đã quyết định để con của yên chi này kế vị. Vị yên chi này của Đầu Mạn muốn giết chết Mạo Đốn và bà ta đã tiến hành một âm mưu thâm độc: Đầu Mạn cử ông đến Nguyệt Chi, một bộ lạc đối thủ, để làm con tin và sau đó phát động chiến tranh chống lại bộ lạc này, hòng khiến Mặc Đốn bị giết. Tuy nhiên, Mặc Đốn đã dự cảm được một điều gì đó đáng ngờ và do đó, ông đã giả vờ bị bệnh nặng khi ở trong trại của người Nguyệt Chi và khiến họ buông lỏng việc canh phòng. Vào đêm Đầu Mạn tập trung quân đội tấn công Nguyệt Chi, Mặc Đốn đã giết chết các lính canh, lấy trộm ngựa quý của Nguyệt Chi và chạy trốn. Để tránh sự theo đuổi của Nguyệt Chi và cuộc tấn công của cha mình, Mặc Đốn cải trang và trở về Hung Nô.
Về sau, để thưởng cho lòng dùng cảm của Mặc Đốn, cha ông đã phong cho ông một tumen (vạn) lính. Ông được nắm giữ 1 vạn lính và huấn luyện họ một cách chăm chỉ mỗi ngày. Một hôm ông bắn vào một trong số những con ngựa tốt nhất và cho xử tử bất kỳ người nào không làm theo được. Sau đó, ông đã giết chết Đầu Mạn trong một chuyến đi săn.
Ngoài ra, yên chi của cha ông và những đối thủ kế vị cũng bị ông hành quyết. Sau đó, ông đã trở thành lãnh đạo của tất cả các bộ lạc nằm dưới quyền kiểm soát của cha mình và trở thành thiền vu của Hung Nô. Ông rèn luyện tất cả các bộ lạc để chuẩn bị cho chiến tranh và luôn chấp hành theo mọi mệnh lệnh của ông. Ông được những người khác tôn trọng và không ai có thể thách thức quyền lực của ông. Sau khi đã sẵn sàng cho chiến tranh, ông bắt đầu các cuộc chinh phục.
Sự nổi lên của Hung Nô
Đầu tiên, ông hành quân đến đánh người Đông Hồ, láng giềng phía đông của Hung Nô, và đưa họ vào quyền kiểm soát của mình vào năm 208 TCN. Sau chiến dịch Đông Hồ của ông (Đông Hồ phân liệt thành Tiên Ti và Ô Hoàn); ông đánh bại Đinh Linh và các sắc dân khác sống tại miền bắc Mông Cổ và cuối cùng đưa Nguyệt Chi nằm dưới quyền cai trị của mình vào năm 203 TCN. Sau các cuộc chinh phục này, tất cả các tù trưởng Hung Nô đã chịu phục tùng ông.
Với các chiến thắng này, ông đã có thể giành quyền kiểm soát các tuyến thương mại quan trọng, và sau đó cung cấp cho Hung Nô một nguồn thu nhập lớn hơn. Sau đó (năm 200 TCN), ông tiến hành một chiến dịch kéo dài 3 năm với nhà Hán, và giành thắng lợi trước Hán Cao Tổ, buộc triều đại này phải cống nạp cho Hung Nô: Khi Hán Cao Tổ phát động cuộc tấn công chống lại, Mặc Đốn với 4 vạn quân đã đưa quân Hán vào bẫy và phục kích với 300.000 kị binh Hung Nô, bao vây quân Hán trong 7 ngày với tên gọi trận Bạch Đăng. Hán Cao Tổ bị cắt tiếp việc và tiếp tế. Trong hoàn cảnh rất nguy khốn, hoàng đế nhà Hán phải sai Trần Bình đến hối lộ yên chi (vợ) của Mặc Đốn. Kết quả là Hán Cao Tổ quyết định nhân nhượng Hung Nô bằng cách gả con gái các gia đình quý tộc cho Thiền vu Hung Nô. Chính sách này đã kéo dài liên tục trong 70 năm tiếp sau.
Mặc Đốn đã không bao giờ cố gắng chinh phục hoàn toàn Trung Quốc, bởi ông cho rằng một triều đại dị tộc không thể cai trị một đất nước lớn như vậy trong một thời gian dài. Sau các chiến dịch đánh Trung Hoa của ông, Mặc Đốn buộc Nguyệt Chi và Ô Tôn trở thành chư hầu của Hung Nô.
Dưới thời cai trị của ông, nhiều sắc tộc nằm dưới quyền quản lý của Hung Nô. Ông đã thống nhất toàn bộ họ vào một đế quốc, các dân tộc này đều có đặc điểm là sống du mục trên thảo nguyên. Ngoài đối tượng này, Mặc Đốn cũng khiến một thành bang ốc đảo tại lòng chảo Tarim thề trung thành với ông. Tổ chức của ông về cả quân sự lẫn chính sự về sau được nhiều dân tộc và quốc gia khác tại Trung Á áp dụng.
Dưới thời Mặc Đốn, ông đã tổ chức 26 chiến dịch lớn để chinh phục 26 nước, và trở thành một mối lo ngại lớn tại châu Á, ngay cả với nhà Hán hùng mạnh. Ông là một chiến binh tuyệt vời và chiến lược gia tài giỏi và gần như bất khả chiến bại trong các cuộc chiến.
Huyền thoại sau đó
Christopher I. Beckwith đã chỉ ra rằng câu chuyện về vị Mặc Đốn trẻ tuổi tương đồng với một truyện kể dân gian phổ biến mà người anh hùng trẻ trong đó đã bị ruồng bỏ, trong một cuộc truy lùng, đã chứng tỏ giá trị của mình, có được những người bạn đáng tin cậy, trở về đất nước của anh, ám sát một nhân vật quyền lực và trở thành vua.
Tên của Mặc Đốn có liên hệ với Oghuz Khan, tổ tiên theo sử thi của các dân tộc Thổ. Lý do cho điều này là có một sự tương đồng đáng chú ý giữa tiểu sử Oguz-Kagan trong các tác phẩm Thổ-Ba Tư (Rashid al-Din, Hondemir, Abulgazi) với tiểu sử của Mặc Đốn trong các thư tịch Trung Hoa, lần đầu tiên được nhận ra bởi N.Ya. Bichurin.
Một giả thuyết khác liên hệ tên của bộ lạc hoàng gia Magyar (Mad'ar) của người Hungary (匈牙利) với họ hàng xa Mator của họ, song nay đã tuyệt diệt. Ông được liên hệ với Dulo của Các khan Nominalia của Bulgaria và chúng, dưới dạng *Duh-klah Tuqi, với gia tộc người Hungary/Magyar Gyula (D'ula). Người ta cho rằng tên của ông, là Bixtun hay Beztur, xuất hiện trong phả hệ của tổ tiên của Attila.
Xem thêm
Tham khảo
- Watson, Burton. (1993). Records of the Grand Historian by Sima Qian. Translated by Burton Watson. Revised Edition. Columbia University Press. ISBN 0-231-08167-7.
- Hulsewé, A. F. P. and Loewe, M. A. N. (1979). China in Central Asia: The Early Stage 125 BC – AD 23: an annotated translation of chapters 61 and 96 of the History of the Former Han Dynasty. E. J. Brill, Leiden. ISBN 90 04 05884 2.
- Beckwith, Christopher I. (2009): Empires of the Silk Road: A History of Central Eurasia from the Bronze Age to the Present. Princeton: Princeton University Press. ISBN 978-0-691-13589-2.
- Yap, Joseph P. (2009). Wars With The Xiongnu, A Translation from Zizhi tongjian, pp. 67–107. AuthorHouse, Bloomington, Indiana, U.S.A. ISBN 978-1-4490-0604-4.
- Clauson, Sir Gerard (1962): Turkish and Mongolian Studies. The Royal Asiatic Society of Great Britain and Ireland.